Nguồn: FB Liên Hương.
2019/04/19.
Vấn đề này rất nhiều bạn hỏi, tuy có thể không hoàn toàn giống trường hợp của các bạn, nhưng đây là thực tế mà chúng tôi đã kinh nghiệm 60 năm, hy vọng có thể mở rộng tâm trí và giúp ích phần nào trường hợp riêng của từng bạn.
Gia đình tôi sống tại số nhà 11 phố Tông Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã 4 thế hệ. Nguồn gốc địa điểm đó có vấn đề. Tòa nhà khá to, vốn là bệnh viện tư kiêm nơi ở của Le Roy des Barres – Giáo sư tiến sỹ phẫu thuật người Pháp đã sang Việt Nam từ 1902 sau khi hoàn thành luận án và kỳ thi tuyển đặc biệt cho vùng Đông Dương, ông sống ở Hà Nội ba chục năm xây dựng ngành phẫu thuật cho École de Médecine de l’Indochine [trường Y khoa Đông Dương] sau ông trở thành Hiệu trưởng của trường nhiệm kỳ 1929-1934. Chính Barres phát hiện tài năng Hồ Đắc Di và mời giảng dạy ở Trường Y.
Nhà 11 Tông Đản theo kiến trúc hiện đại đời đầu – thời đó kiểu kiến trúc này rất hiếm ở Hà Nội. Tầng bán hầm là nơi giặt, bếp, kho, gara, người làm ở, nhà vệ sinh chung, nhà xác. Tầng trệt [bây giờ gọi là tầng 2] cánh phải là phòng hội họp; cánh trái là phòng khám và phòng phẫu [bên dưới có nhà xác]. Gia đình Barres sống tầng lầu phía trước là phòng tôi ở bây giờ [gọi là tầng 3]. Mái nhà [bây giờ gọi là tầng 4] có một phòng nhỏ cho quản gia trông nom xử lý đóng mở giếng trời tùy theo thời tiết.
Khi Barres về Pháp ngôi nhà qua nhiều chủ nhưng không được lâu, người mua lại cuối cùng là ông bà chủ hiệu buôn đăng-ten Trần Văn Ngữ, Lê Thị Tý. Ông bà Trần ủy thác chính phủ cho thuê ngôi nhà này để làm trụ sở Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát đình chiến, thành lập theo điều 34 của hiệp định Genève [International Control Commission]. ICC gồm có đại diện của Ấn Độ, Ba Lan, Canada, do Ấn Độ chủ toạ đã đóng tại đây trong 3 năm. Cụ Trần Văn Ngữ bị lực lượng dân quân đưa đi mất tích, thủ tiêu giống như trường hợp họa sỹ Nguyễn Cát Tường chủ thương hiệu Áo dài Lemur. Cụ bà và 7 người con [con thứ ba là bà Trần Lệ Thu vợ sau của ông Cù Huy Cận] còn được nhận tiền nhà thêm một thời gian nữa rồi chấm dứt, thế là họ mất tài sản như các gia đình tiểu tư sản khác ở Hà Nội khi đó. Cụ Lê Thị Tý sau vào Nam sống với con.
Thời gian đó gia đình tôi sống ở số 10 Lê Lai bây giờ là Sở Ngoại vụ [đối diện Lầu Kèn tức là nhà con công trong vườn hoa cụ Lý] rồi chuyển tới biệt thự 18 Tông Đản [bây giờ là nhà riêng Đại sứ Hoa Kỳ].
Năm 1958, gia đình tôi nhường biệt thự 18 Tông Đản cho cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Bắc bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim, khi đó nhậm chức Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [cụ làm 4 nhiệm kỳ liên tục] và chuyển tới 11 Tông Đản, chỉ cách hơn nửa con phố.
Trong ngôi biệt thự có vong và có oán trái này còn có một số hộ khác nên trở thành chung cư theo luật còn kết cấu là biệt thự. Không có hộ nào yên, chướng nạn không kiểu này thì kiểu khác sơ bộ thì: chết yểu ít nhất 5 người, một gái chết đuối khi vừa xuất ngoại, chết bệnh lao, điên cuồng nặng phải vào Châu Quỳ, vỡ nợ chạy trốn, vô sinh, anh vợ em rể tranh đoạt diện tích rồi đào cả mả bố lên, học sinh cầm dao đâm bạn ở trường, hàng xóm làm nhục nhau rồi bị giam, 4 người tai biến não sống thực vật nhiều năm, trộm cắp bị phát giác nhưng tha, trộm cắp đi tù dài hạn, chết bất đắc trong WC không ai biết, gẫy chân tay, ngoại tình đánh nhau, say rượu chửi bới la hét, ung thư, gia đình ly tán tới chết, đưa cô đồng về nhà cúng rồi hủ hóa… đặc biệt việc em gái đào mả bố để triệt hạ anh em trai thì vô tiền kháng hậu, người Á Đông không bao giờ làm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay khóc thét ban đêm.
Trộm vía, gia đình tôi may có người giúp, ông bà đức độ, con cháu chịu tu nên thoát nạn. Thường xuyên đá lăn ầm ầm trên mái nhà khoảng giờ Sửu, lên mái xem thì không có hòn đá nào, có tiếng gõ cửa lịch sự nhưng ra mở không có ai, có đêm gõ hai ba lần, thậm chí gõ cả ban ngày, có hôm nửa đêm có người quét lá trên mái nhà nhưng lên mái xem thì sạch bong không có cọng lá nào, tự nhiên có cột lửa cháy ngay trên sàn gỗ nhưng không để lại bất kỳ vết tích... Mẹ tôi tốt nghiệp ngành Nhân chủng và Lịch sử, được học với các giáo sư nổi tiếng của MGU nên hiểu biết rộng về các sự việc được cho là của cõi vô hình [tất nhiên chỉ vô hình với mắt thịt]. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải và tiến sỹ Lê Xuân Tú đưa mẹ tôi gặp cụ Chưởng Cần tức khí công lão gia Nguyễn Đức Cần [1909-1983] ở làng Đại Yên, xin cụ chỉ giáo và từ đó rất thân quý. Cụ Chưởng Cần là nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất miền Bắc, cụ xếp bằng rung đùi đi trên mặt ao [lần khác kể].
Vấn đề của khu này không chỉ là nhà có vong, có oán trái, mà cả khu đất rất rộng bao gồm Thành ủy Hà Nội và mấy nhà quanh quanh Tông Đản là vùng đối phần trung giới, thích hợp xây đền miếu, bãi tha ma, đài phun nước chứ không phù hợp xây dương phần, người Pháp đã xây nhà máy nước đá có tháp nước rất lớn phun suốt ngày đêm, sau bị phá để xây Vietcombank nhưng cả khu đó không vượng. Trên mái nhà của Ban Kiểm tra Đảng họ dựng cây hương cúng bái suốt bởi họ cũng không yên mặc dầu là cơ quan.
Cụ Chưởng Cần chỉ dẫn pháp hồi hướng, trì chú, cúng lễ, dặn giữ mái nhà thật sạch, dặn không áp dụng các biện pháp phù thủy trù yểm, tổn âm đức mặc dầu tác dụng ngay trước mắt. Khi cụ Chưởng Cần mất đi, lại có các vị khác giúp. Chúng tôi cứ vậy mà làm, hằng ngày tôi trì chú, hồi hướng thiện pháp, cúng dường thanh tịnh, thực hành bố thí, khi nào thấy lăn đá thì cúng một hai mâm đồ ăn đặt trên mái nhà, khoảng cách lâu nhất giữa hai lần cúng là 8 tháng.
Các “thế lực” tồn tại ở đây rất đông, họ phát các tín hiệu mà mình có thể hiểu được như ngôn từ và linh nghiệm, đôi lần họ hiện tướng toàn vẹn trong lúc tôi ngồi thiền, đã 3 lần họ đỡ khi bị ngã, hàng xóm điên dại đập phá tới mức phải chích thuốc để bắt lên xe điên nhưng không làm phiền nhà tôi, vào nhà tôi rất hiền, nhiều lần vác gối sang ngồi thiền cùng. Đi xa mấy trăm cây số mệt quá chỉ mong về ngủ ngay nhưng vừa vào nhà tự nhiên quên mất là mệt. Người già đều muốn mất ở nhà, ông tôi, mẹ tôi mất khi tôi ngồi cạnh, cận kề lâm chung mây cầu vồng xuất hiện, lãng đãng rồi tan. Đêm mở cửa thì dơi bay vào, ngày cúng dường thì ong mật, bướm thụ hưởng các thứ nước cúng.
Các kinh nghiệm truyền thống thực sự hiệu quả về khả năng tịnh hóa không gian, nâng cao sức khỏe của người trong nhà, khách được mời, vừa bước qua cửa đã thốt lên dễ chịu quá, bọn trẻ con thích tụ tập, lớp thiền rất kết quả và duy trì cả chục năm tới khi tôi bận quá phải nghỉ. Cách đây khoảng một tháng, con trai chị Dao Hanh tới gặp tôi hỏi vài chuyện trước khi cháu du học, câu hỏi cuối cùng của cháu là: “Bác làm thế nào để có được không khí như thế này?” Tôi trả lời là tôi hành thiền, không sát sinh, không cãi nhau, đọc sách có tần số tốt, khi nào bật TV thấy phim bạo lực hay quái thú chảy giãi là hôm sau tôi trì chú miên mật để tẩy trược… Cháu nói rằng, sau này cháu muốn mở nhà hàng mà có được không khí như thế này để khách không chỉ ăn dinh dưỡng mà còn ăn văn hóa, tôi nói cháu phải bán đồ chay, bán thịt sẽ không bao giờ có không khí an tịnh.
Có những sự ngoài khả năng của mình, hàng xóm không vượng, họ không có tình yêu với nơi sống, họ bẩn lắm và nhếch nhác, thường xuyên cướp lấn chiếm xâm phạm khu vực chung, họ chuyển đi nơi khác thì chủ thuê tới không đậu được lâu, ở thuê cũng nhếch nhác không ra thể thống gì.
Đôi khi, phải nhìn xa ra mới thấy được lợi ích duyên khởi, nếu tổ tiên không vì cộng nghiệp mà tới ngôi nhà này thì chắc gì tôi gặp Thầy, gặp Pháp, chắc gì tôi nghiên cứu siêu hình.
Hy vọng kinh nghiệm của tôi giúp gì đó tới các bạn.
-----
Các bạn tìm đọc cuốn "Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh". Sau cụ, Việt Nam chưa có ai tài giỏi, đức độ, khí phách, đủ bi trí dũng như thế. Cụ bị chính quyền CS hành hạ rất lâu rồi mới ‘đành’ công nhận. Bia mộ cụ chúng đổ mắm tôm lên, mẹ tôi biết tin đã khóc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải viết bài bảo vệ cụ Chưởng Cần lập tức bị Tố Hữu đuổi ra khỏi biên chế nhà nước để trừng phạt, từ đó ông dạy tiếng Pháp, tiếng Anh, vật lý, dịch sách khoa học để sống. Tôi cũng học ngoại ngữ với thầy.
No comments:
Post a Comment