Saturday, October 27, 2018

Những sai lầm hay gặp của cha mẹ Việt - Tản mạn giáo dục T11 (1)

Nguồn: FB Đàm Q. Minh, Minh Đàm.
2018/10/26.

Những tranh cãi miên man gần đây về giáo dục và sự mất niềm tin lớn vào giáo dục trong nước có lẽ ngày càng trầm trọng. Một trong những lý do có một phần lớn là do giáo dục gia đình. Gia phong - trước đây được nhấn mạnh thì nay ít khi được chắc đến. Trong các tranh luận gần đây, có lẽ gây tranh cãi nhất là câu nói "phụ huynh không nên dạy con" của GS. Hồ Ngọc Đại. Câu đó đúng hay sai, phải hiểu nó thế nào?

Tôi là người ủng hộ việc cha mẹ nên dành thời gian dạy dỗ và chơi cùng con cái. Cha mẹ, cần là người đồng hành với con vì mỗi thầy cô chỉ đi cùng học sinh tối đa là 3-4 năm nhưng cha mẹ lại đi suốt chặng đường dài. Và giáo dục gia đình chưa bao giờ là không quan trọng. Tuy nhiên trong suốt quá trình trao đổi với sinh viên, tôi nhận ra có một số lỗi khá phổ biến của các cha mẹ Việt Nam khi giao tiếp với con cái.

1. Đọc sách

Phụ huynh ai cũng cho rằng việc đọc sách là tốt, muốn con đọc sách, nhưng phụ huynh chưa biết cách khuyến khích. Khi tôi hỏi chuyện sinh viên thì nhiều em cho biết ngày bé khá là thích đọc sách nhưng giờ đọc cuốn sách dày là thấy buồn ngủ và mỏi mệt. Lý do là vào năm THCS, các phụ huynh bắt đầu có xu thế ép con học. Lúc đó, khi thấy con đọc sách (thường là truyện tranh) thì hay cấm đoán, bắt phải học bài. Nhiều phụ huynh ép con phải đọc những cuốn sách mà mình nghĩ là hay và thường là những cuốn đồ sộ mà trẻ chưa thể tiêu hoá ngay được và từ đó tạo cảm giác sợ hãi cho trẻ khi nhìn thấy một cuốn sách.

Những việc như vậy triệt tiêu luôn mong muốn đọc sách của các bạn trẻ mà các bạn chỉ còn biết học từ sách giáo khoa. Việc đọc sách cũng cần có sự phát triển từ từ và mỗi đứa trẻ có năng lực đọc khác nhau. Đừng thấy "con nhà người ta" đọc những cuốn sách dày cộp mà cũng vội và mua về bắt con đọc và cấm xem truyện tranh. Tôi biết những người rất giỏi, 40 tuổi rồi vẫn đam mê xem truyện tranh.

2. Đánh nhau

Việc đánh nhau là khá thường xuyên ở trẻ và trẻ con đánh nhau vì chưa biết cách hành xử đúng cách. Thay vì hướng dẫn con xác định tình huống và xây dựng việc ứng xử văn minh, nhiều phụ huynh lại hỏi con "bị đánh sao lại đứng yên, sao không đánh lại cho nó sợ". Cách giải quyết này thường gây trầm trọng hơn và hình thành cách phản ứng tiêu cực.

3. Hướng nghiệp

Đây là vấn đề phức tạp nhất mà phụ huynh thường bối rối. Có lần tôi được tư vấn hỏi nên cho con học ngành IT hay Biz tại trường. Tôi sau đó nói chuyện với bạn học sinh và cho bạn làm thử 2 bài test về nghề nghiệp MBTI và phát hiện ra bạn có xu hướng về nghệ thuật, kiến trúc, sáng tạo nhiều hơn. Khi hỏi phụ huynh bạn có vẽ hay làm gì tương tự không, lúc đó phụ huynh bất ngờ là bạn vẽ khá tốt và âm thầm tự học mà phụ huynh không hề biết. Bạn sinh viên thì sợ nên không dám chia sẻ với cha mẹ về việc này. Sau khi tư vấn thì phụ huynh và bạn trẻ đã chia sẻ mong muốn thực sự của mình.

Hiện bạn đã là sinh viên ĐH Kiến trúc Tp.HCM và rất happy với lựa chọn của mình và phụ huynh cũng rất vui vì con tìm được ngành học đúng sở thích.

4. Làm bạn với con

Phụ huynh rất cần làm bạn với con và cả với bạn của con. Tuy nhiên, các phụ huynh ít nắm được tâm lý trẻ nên cảm thấy khó khăn hoặc bất lực. Nhiều gia đình, thậm chí cha mẹ không nói chuyện được với con cái. Mấu chốt là gì?

Trẻ có 2 giai đoạn tâm lý rõ rệt, trươc dậy thì (GĐ1) và sau dậy thì (GĐ2). Giai đoạn (1) thường có tâm lý tự ti và làm theo hướng dẫn của người lớn. Câu thường thấy ở độ tuổi này là cô giáo/cha/mẹ bảo làm thế này cơ mà. Trẻ rất nhớ hướng dẫn và tìm cách làm hài lòng người lớn. Hay có câu "you are right, I am wrong". Phụ huynh cần rất nhất quán, khuyến khích sự tự tin và tính tuân thủ của trẻ. Ví dụ phụ huynh vượt đèn đỏ sẽ gây bối rối cho trẻ và trẻ sẽ hỏi "sao đèn đỏ mà bố/mẹ vẫn đi?".

Giai đoạn (2) khác hẳn sẽ là "I am right, you are wrong!", trẻ muốn khẳng định mình và sẽ luôn coi mình là đúng là cần được tôn trọng. Lúc này cách áp đặt và hướng dẫn như giai đoạn (1) là không còn phù hợp. Lúc này là lúc trẻ cần được lắng nghe, chia sẻ và gợi mở lời giải. Trẻ có xu hướng tự tìm lời giải đáp qua sách vở, internet hơn là nghe cha mẹ, thầy cô. Do đó nhiều phụ huynh cảm giác như "mất con", thực chất là không thấy được sở hữu hay kiểm soát con như trước.

5. Chọn trường học

Tôi nhận được câu hỏi thường xuyên là "trường A,B,C" có TỐT không, hoặc "làm cách nào chạy được vào trường X, Y, Z" vì trường đó nghe nói tốt lắm. Thực ra trường đó tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng của học sinh và mong muốn phát triển sau này. Nếu đứa trẻ có xu hướng nghiên cứu, học tập sâu mà học ở các trường có xu hướng hoạt động nhiều có thể sẽ gây cảm giác chán cho trẻ. Ngược lại, những trẻ có nhu cầu xã hội cao, cần hoạt động cho vào học các trường quá nặng về học thuật thì trẻ lập tức thấy tự ti. Vì vậy, không có trường tốt nhất mà chỉ có trường phù hợp nhất với từng bạn nhỏ để các bạn có thể tự tin phát triển đúng năng lực của mình.

Tản mạn giáo dục 2 sẽ viết về Homeschooling, một chủ đề đang rất hot hiện nay.
______________________________


No comments:

Post a Comment