Nguồn: FB Liên Hương.
2018/08/30.
ĂN CHAY ĐỐI VỚI NHÀ NGOẠI CẢM – Những kẻ được đặc ân kinh nghiệm cõi Trung Giới. Trích sách “Vegetarianism in The Light of Theosophy” xuất bản lần đầu năm 1913. Tác giả Annie Besant [1847-1933] một quý tộc Anh, nhà ngoại cảm, nhà hùng biện tài ba kiêm học giả. Bà trường chay và sức khỏe rất tốt, mỗi năm bà giảng dạy hai tới ba trăm buổi, bà thường nhận thọ giáo từ Chân sư và truyền đạt ngay tại chỗ. Bà viết rất nhiều, có vài cuốn đã được dịch ra tiếng Việt. Bà đã tranh đấu cho độc lập của Ấn Độ song song với phong trào của thánh Gandhi chủ trương bất bạo động. Tri ân công đức của bà, dân Ấn đã dựng tượng bà trên bờ biển Bengale, trước khu Đại học ở Madras. Thủ tướng Neru đã cho phát hành hàng triệu tem thư mang chân dung của bà. Bà là người đã rèn giũa Krishnamurti.
__________________________________________________
1. TUÂN THỦ LUẬT TỰ NHIÊN. Con người là một bộ phận của đường tiến hóa lớn, là một mắt xích trong chuỗi xích sự sống thiêng liêng biểu lộ qua hình hài người và trở nên linh động do có Linh hồn – sự tiến hóa này là mức cao nhất có thể đạt được về mặt hình tướng vật chất trong thế giới chúng ta hiện nay, bởi vậy, tất yếu, con người phải là biểu hiện toàn bích nhất của sự tiến hoá đang liên tục tăng trưởng này.
Theo luật tự nhiên, các sinh linh bậc thấp bị các định luật áp đặt lên và buộc nó phải tuân theo giống như kiểu cưỡng chế; định luật trong thế giới khoáng vật không để cho các nguyên tử khoáng vật được phép chọn lựa; định luật trong thế giới thực vật cũng vậy; trong thế giới động vật, định luật này được gọi là bản năng mà con thú phải tuân theo và tuân theo liên tục. Ý chí phát triển nơi con người cho ta cái khả năng chọn lựa khiến ta có thể nói “tôi sẽ” hoặc “tôi sẽ không”.
Nhưng con người đang là yếu tố gây mất trật tự trong thiên nhiên. Mặc dù có nhiều khả năng hơn các sinh loài cùng tồn tại trên địa cầu, con người lại gây ra sự bất hòa trong địa hạt định luật; chính vì đã phát triển được ý chí cho nên con người mới ‘nổi loạn’ chống lại định luật, khăng khăng tìm luật lệ của riêng mình để chống lại luật thiên nhiên trong một thời gian nào đó. Tất nhiên, cuối cùng thì Thiên luật sẽ đè bẹp y, bất cứ khi nào con người nổi loạn thì sẽ nhận ngay những đau khổ mà luật Thiên nhiên đáp trả công bằng.
Loài người không có quyền gây cho những sinh linh đang hạnh phúc trong thiên nhiên nỗi khốn khổ, sợ sệt, hoảng loạn bằng cách mang lại sự hủy diệt ở bất cứ nơi đâu mà con người đi đến. Do việc tự làm bại hoại những khả năng cao siêu của Thể Hạ Trí, con người trở thành kẻ thù gây tổn hại các sinh linh vốn cùng chia xẻ thế giới này, và với một mức độ ghê gớm hơn, gây hại cho chính đồng loại.
Chẳng những, loài người đã sai lạc trong việc dùng Trí để trợ giúp một cách hài hoà các loài chậm tiến hoá hơn, mà lại mang tới cho chúng sự hủy hoại theo đủ mọi hướng. Con người ‘văn minh’ không là bạn của mọi sinh loài mà là kẻ mang lại sự tận diệt khủng khiếp.
Nếu giờ đây nhân loại giác ngộ, từ bi với sinh loài thì cũng phải mất nhiều thế kỷ mới hóa giải được, mới trả xong ác nghiệp của quá khứ đẫm máu. Thế nhưng ta vẫn có thể hóa giải được, có thể tạo ra tình thân hữu với mọi sinh loài để cho mỗi người nam hay nữ, già hay trẻ đều đóng góp vào kho tàng tình yêu của vũ trụ.
2. GIẾT VÀ TRƯỢC. Các cõi giới thanh nhẹ hơn phản chiếu và lưu lại những gì diễn ra trên cõi thô nặng hơn. Cõi Hạ Thiên chứa đầy năng lượng mà con người phóng vào Trung Giới; tạo ra hình tư tưởng nơi Trung Giới rồi tác động vào cõi Trần. Nhà Ngoại Cảm thấu thị được các hình tư tưởng này ngay khi họ tiếp cận hay thiền định về một sảnh đường, một căn nhà, một vùng đất, họ có thể nói cho bạn biết về đặc trưng tổng quát năng lượng nơi đó là thanh khiết hay ô uế; có tính thân hữu hay thù nghịch.
Chúng ta hãy nghĩ tới một lò sát sinh, điều gì được kích hoạt ở đó [không phải về người đồ tể, tôi sẽ bàn tới y sau] mà là với những gia súc đang bị giết. Hãy lưu ý tới sự khủng khiếp mà chúng trải qua khi đánh hơi mùi máu và nỗi sợ hãi của đồng loại. Hãy xem sự khốn khổ, hoảng loạn, né tránh việc bị đẩn tới. Hình ảnh khiếp đảm khi sự sống đột nhiên bị giật ra một cách tàn bạo khỏi cơ thể đang sung sức và hồn thú hãi hùng nhập vào Trung Giới, ở đó trong một thời gian đáng kể.
Các nhà ngoại cảm thấy rằng, bất cứ nơi đâu có sự sát sinh thì ở đó trược khí rất nặng nề, tác động lên cõi Trần, tác động lên tâm trí con người, khiến cho bất cứ người nào nhạy cảm thông linh khi tới gần vùng đó đều nhìn thấy, cảm thấy những rung động khủng khiếp ấy, rùng mình, đau khổ vì những rung động khủng khiếp ấy và biết được chúng khởi phát từ đâu.
Sát sinh gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, liên tục dội vào môi trường loại tần số sợ hãi, giận dữ, hận thù, tác động lên Thể Vía người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, làm thô trược, làm thoái hóa toàn thể môi trường sống. Chẳng những Thể Xác người ăn thịt ô uế do thịt súc vật mà các Thể Vi Tế của con người cũng rơi vào tầm ảnh hưởng; rất nhiều khía cạnh thô trược trong cuộc sống của những người có dính dáng tới việc sát sinh đều trực tiếp bắt nguồn từ sự phản ánh này từ Trung Giới.
3. KẺ HÀNG THỊT LIÊN QUAN MẬT THIẾT TỚI KẺ ĂN THỊT. Rõ ràng là ta không thể ăn thịt nếu ta không tự tay giết con vật, sai khiến hay mua người khác giết thay. Theo Nhân Quả, kẻ ăn thịt trực tiếp chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thoái hóa nào trong tính cách đạo đức và các ác báo của những con người mà kẻ ăn thịt đã đùn cho họ việc sát sinh vì kẻ ăn thịt quá là ‘thanh bai’, quá là ‘tao nhã’ nên không tự mình mó tay sát sinh được, mà chỉ ăn thôi!
Rất ít người sẵn lòng đi bắt rồi tự mình hạ sát con vật để ăn. Mọi người đều thừa nhận rằng, việc này gây một ảnh hưởng không dễ chịu đối với người thi hành. Điều này đúng đến nỗi luật pháp thừa nhận không một kẻ hàng thịt nào được phép ngồi ở ghế Bồi thẩm đoàn. Y không được phép tham gia vào một vụ xét xử vì người ta kinh nghiệm rằng việc liên quan tới sự sát sinh đã làm thoái hóa sự nhận thức của nhóm người này. Bất kỳ ai ăn thịt đều phải chịu trách nhiệm và chia xẻ cơ tiến hóa của nhóm người này.
Liệu có bao giờ bạn hiểu ra được một qui tắc đạo đức tối thiểu là: ta không có quyền, vì lợi của riêng mình mà đùn đẩy cho người khác một nhiệm vụ ta không sẵn sàng thi hành? Các mệnh phụ tế nhị thanh tao đều tự hào về sự tế nhị của mình, họ né tránh bất kỳ ý niệm dính dáng đến nghề bán thịt, chẳng hạn như uống trà với kẻ bán thịt và mạnh mẽ phản đối việc kẻ hàng thịt bước vào nhà mình để tránh khỏi cảm giác mình có giao tiếp với một loại người hạ đẳng như thế. Đúng vậy, nhưng tại sao thế nhỉ? Để cho mình có thể thỏa mãn sự thèm khát mùi vị thịt, ta đã đùn đẩy cho người khác cái sự thô trược hóa, tàn bạo hóa mà bản thân ta né tránh trong khi chính ta lại hưởng thụ những kết quả của việc thô trược hóa, tàn bạo hóa đồng loại. Mỗi kẻ ăn thịt đều phải chia xẻ việc làm cho kẻ hàng thịt bị thoái hóa. Nếu chúng ta có được luật pháp chẳng những trên cõi trần mà còn trên cõi trí tuệ, đạo đức, tâm linh nữa thì chia sẻ trách nhiệm trong tội ác cũng phải chia sẻ sự trừng phạt. May sao, luật Nhân Quả đã ở đó rồi. Nỗi khốn khổ mà bạn gây ra chính là vũng lầy bám lấy chân bạn. Mọi sự khốn khổ mà chúng ta giáng cho các sinh linh hữu tình đều làm trì trệ sự tiến hóa của loài người.
4. THÂN THỂ LÀ CÔNG CỤ CỦA LINH HỒN. Xin lưu ý, tôi không khuyến cáo người ta kiêng thịt để cải thiện sức khoẻ – tăng tuổi thọ – hay duy trì vẻ thanh xuân, mà trên nền tảng cao cấp là bổn phận – từ bi – vị tha vốn là những phẩm tính cốt yếu đánh giá mức tiến hóa của mỗi cá thể. Nhưng bạn cũng đừng quên thực nghiệm việc kiêng thịt, nó tác dụng lên cơ thể bạn, lên tâm trí bạn, lên sự tăng trưởng tâm linh bạn – một tác dụng rất thực.
Kiêng thịt hoàn toàn dễ dàng khi bạn hiểu biết rằng, thân thể là công cụ của Trí tuệ, công cụ của Tinh thần; hoàn toàn đúng khi bất kỳ loại thực phẩm nào cung cấp cho thể xác đều liên quan tới tinh thần. Linh hồn đã có một nhiệm vụ khó khăn trong lần hóa thân này, thật sai lầm, khi ta làm cho nhiệm vụ đó khó khăn hơn nữa qua việc làm ô uế công cụ của Linh hồn, cung cấp cho nó nguyên vật liệu kém phẩm chất không đáp ứng với những rung động vi tế mà lại đáp ứng dễ dàng với mê muội hạ đẳng của bản chất thú kèm theo mọi hệ lụy quả báo chết chóc.
5. ĂN KHÔNG LÀ VẤN ĐỀ CÁ NHÂN mà liên quan trọn cả cộng đồng. Bất cứ người nào khi ăn hoặc uống mà không chú ý để được thanh khiết đều trở thành một tụ điểm xấu ác nơi mình đang cư trú, tụ điểm này có khuynh hướng lan toả năng lượng tiêu cực ảnh hưởng chung tới cả vùng. Ta cần thấy sự lớn lao của minh triết trong dinh dưỡng. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời ta đều cần được điều tiết sao cho thế gian có thể tốt hơn vì sự hiện diện của ta chứ không tồi tệ hơn. Mỗi người tẩy trược cơ thể của mình một chút tẩy trược tư tưởng của mình một chút, đều là một cộng tác viên của sự sống nội giới trên thế gian, và sự tiến bộ của y sẽ là phần thưởng dành cho công trình y thực hiện để trợ giúp thế gian này.
Có thể mua bản sao cuốn sách https://www.amazon.co.uk/Vegetarianism-Light-Theosophy-Annie-Besant/dp/1425456677
Các bạn đã hỏi rất nhiều sau khi đọc bài này và tôi đã trả lời:
* Không sát sinh trong nhà mình.
* Không cúng sản phẩm sát sinh trong những dịp đầy tháng, thôi nôi chỉ tăng thêm chướng nghiệp cho trẻ em.
* Không dùng tiền mua người khác sát sinh.
* Chuyển nhà khỏi những vùng gần lò mổ, cơ sở chăn nuôi, chế biến thịt, hàng quán. Nếu nhà bạn ở khu có hàng ăn mà chưa chuyển đi được thì cần lưu ý tẩy trược mỗi ngày nhưng vẫn không thể tránh hoàn toàn được các tác dộng tiêu cực.
* Tránh các tụ điểm ăn uống, đặc biệt là không cho trẻ em tới những nơi quán xá.
______________________________
No comments:
Post a Comment