Monday, April 30, 2018

Hạ tầng hữu cơ và giấc mơ của người Việt

Nguồn: FB Jerry Do.
2018/04/30.
Hôm qua xem clip do VTV thực hiện về nông nghiệp hữu cơ, tôi rùng mình trước nhận thức của những người làm chương trình, ngay cả vị giáo sư khách mời còn không phân biệt nổi nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Toàn bộ clip là một phóng sự rẻ tiền đậm chất quảng cáo hơn là cung cấp một nhận thức và bức tranh toàn cảnh về làm nông hữu cơ ở vn. Nếu một cái farm 2,4 hecta mà đủ sức cung cấp sỉ rau củ hàng ngày cho nhiều cửa hàng thì lời khuyên chân thành của tôi là các bạn nên ra chợ mua rau, giá rẻ hơn mà chất lượng không đổi. Nếu chỉ với 11 hecta trồng rau hữu cơ mà sản lượng hàng năm thu hoạch trên 300 tấn thì ai làm hữu cơ cũng đã thành tỉ phú từ lâu (bình quân 2,3 tấn/hecta/tháng).

Phong trào làm “hữu cơ” thực sự đang bùng nổ ở vn vài năm trở lại đây, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những cửa hàng thực phẩm “hữu cơ”, những thương hiệu “hữu cơ” xuất hiện như nấm mọc sau mưa (dù là tự phong hay được chứng nhận). Nếu chỉ không dùng thuốc trừ sâu/kích thích tăng trưởng/phân hóa học như clip của VTV giới thiệu thì ở vn ai cũng có thể làm hữu cơ, thậm chí các bạn có thể làm hữu cơ ngay tại vườn nhà.

Vậy sản xuất hữu cơ (organic) thực sự cần những điều kiện gì? Khó hay dễ?

Khác với những phương pháp làm nông thông dụng hiện nay (như hóa học, thủy canh, biến đổi gen), canh tác hữu cơ đòi hỏi một hạ tầng rất “đặc biệt” với quy mô đồng bộ, có chiều sâu vì hạ tầng là yếu tố then chốt quyết định chất lượng sản phẩm và năng suất hữu cơ. Bỏ qua các yếu tố kĩ thuật canh tác và quy trình, chỉ cần nhìn vào hạ tầng các bạn sẽ biết ai làm hữu cơ thật, ai đang “kinh doanh” hữu cơ. Nếu nhà sản xuất dự tính nâng tầm nông trại lên những tiêu chuẩn cao hơn trong tương lai (vd: Bio Dynamic – hiểu nôm na là Chuẩn đa dạng sinh học) thì hạ tầng lại càng có vai trò quan trọng hơn.

Đất là yếu tố đầu tiên và không thể thiếu của hạ tầng hữu cơ. Trong một đất nước mà hóa chất tổng hợp không được phép sử dụng và canh tác hữu cơ đã trở thành truyền thống như Bhutan thì yếu tố này rất dễ vì nơi đâu cũng là đất sạch. Còn trong một đất nước có lịch sử hơn nửa thế kỉ phun xịt và công nghiệp hóa nông nghiệp như Việt Nam thì đất là một yếu tố hết sức nan giải. Nếu sử dụng đất canh tác hóa học, nhà sản xuất phải “bỏ không” miếng đất khoảng 5 năm và kết hợp thêm các biện pháp thanh lọc đất trước khi có thể bắt đầu sản xuất hữu cơ. Hiếm nhà sản xuất nào “chịu chơi” bỏ tiền mua đất và đầu tư cải tạo trong nhiều năm mà không thu được gì, đó là chưa kể phải dành ra một diện tích để cách ly hay hạn chế “nhiễm độc” từ vùng canh tác xung quanh.

Một lựa chọn khác để có đất sạch là cải tạo đất rừng sinh thái thành đất nông nghiệp, cách này nhanh hơn một chút nếu so với cách “giải độc” cho đất nhưng lại phát sinh nhiều yếu tố bất lợi làm gia tăng chi phí đầu tư tổng thể, ví dụ: cơ sở hạ tầng tưới tiêu, vận chuyển, kho bãi, nhà máy chế biến...

Nếu trồng rau xanh ăn lá, các nhà sản xuất hiện nay rất chuộng sử dụng “giá thể” thay cho đất. Rau ăn lá thuộc loại cây trồng ngắn ngày rễ nông nên chỉ cần đổ một lớp “giá thể” mỏng là sẵn sàng sản xuất. Tuy nhiên, chi phí mua “giá thể” đạt chuẩn hữu cơ không hề rẻ và nhà sản xuất rất dễ bị “lỗ” nặng nếu “làm thật” và bán “hàng thật”.

Nước là yếu tố quan trọng thứ hai của hạ tầng hữu cơ. Nước sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ bắt buộc phải là nước sạch hoàn toàn, đặc biệt là không được phép chứa kim loại nặng và các hóa chất công nghiệp. Với yêu cầu như vậy, nông trại hữu cơ bắt buộc phải có nguồn cung nước “cách ly” hoàn toàn với những nguồn nước thông thường bên ngoài. Tôi rùng mình khi biết một số thương hiệu gạo “hữu cơ” ở Đồng Tháp hay Vĩnh Long sử dụng chung kênh rạch tưới tiêu với các ruộng lúa xung quanh, như vậy thì họ chẳng cần tốn xu nào để mua “phân thuốc” vì các ruộng lúa “hữu cơ” của họ đã mặc nhiên được “thừa hưởng” đầy đủ hóa chất từ các ruộng canh tác hóa học xung quanh.

Lần khác ghé thăm một vườn rau “hữu cơ” ở một tỉnh lân cận Sài Gòn, tôi cảm thấy buồn nôn vì mùi hôi nồng nặc của...nước giếng dùng để tưới rau. Nước giếng khoan thực chất là nước lấy từ những túi nước ngầm khổng lồ nằm sâu dưới lòng đất, đó chính là nơi tích tụ mọi hóa chất độc hại thải ra từ hoạt động công nghiệp/nông nghiệp diễn ra trên mặt đất. Nhiều địa phương ở vn còn phát hiện cả thuốc diệt cỏ 2,4D và các kim loại nặng cực độc (chì, asen, cadmi...) tồn dư với nồng độ cao trong các mẫu xét nghiệm nước giếng. Nước giếng chỉ thực sự trong lành nếu các bạn quay ngược lại khoảng 300 năm trước khi tư duy công nghiệp của loài người chưa xuất hiện cũng như các chính sách “công nghiệp hóa hiện đại hóa” chưa ra đời.

Vậy nếu đem mẫu nước giếng đi xét nghiệm và “đạt chuẩn” thì sao? Ngay cả khi mẫu nước giếng xét nghiệm “đạt chuẩn” hay các hóa chất nằm “trong ngưỡng cho phép” thì không có gì đảm bảo chất lượng đó sẽ ổn định theo thời gian. Các hoạt động của con người trên bề mặt trái đất luôn luôn thay đổi cả về tần suất lẫn cường độ (vd: công nghiệp xả thải theo...lịch sản xuất, nông nghiệp sử dụng hóa chất theo...mùa vụ). Để sử dụng nước giếng trong canh tác hữu cơ, cách duy nhất là phải trang bị một hệ thống lọc tốt với công suất đủ lớn.

Một thương hiệu gạo “hữu cơ” khác đang được quảng cáo rầm rộ thì lại vô tư tưới lúa bằng...nước sông, thứ nước mà đến vệ sinh tắm giặt dân Việt còn không dám dùng do tình trạng xả thải bừa bãi từ các nhà máy cũng như việc sử dụng hóa chất tràn lan trong nông nghiệp. Khi thượng nguồn canh tác hóa học thì hạ lưu không có cách gì canh tác hữu cơ nếu không lọc hay xử lý nguồn nước triệt để. Thực ra tiêu chuẩn hữu cơ luôn đòi hỏi nhà sản xuất phải xử lý nguồn nước trước khi tưới tiêu, tuy nhiên nếu đưa vào quy trình sản xuất thực tế thì chi phí sẽ đội lên rất khủng khiếp. Với bản tính “láu cá”, các nhà sản xuất ở vn đa số chỉ xử lý “đối phó” để có được tờ giấy chứng nhận, còn thực tế họ lấy đâu ra một lượng nước khổng lồ để phục vụ tưới tiêu thì chỉ có họ và...ông trời mới biết.

Vậy còn nước máy (loại nước dùng sinh hoạt hàng ngày ở vn) thì sao? Nếu bạn nào đã từng xét nghiệm mẫu nước hay sử dụng máy lọc thì sẽ biết nước máy ở vn là thứ nước rất kinh tởm. Nó thực ra là hỗn hợp của nước, hóa chất tồn dư từ nhà máy cấp nước (clorine, flouride,...), chất thải tồn dư từ nước nguồn (sông suối) chưa được xử lý hết (nitrit, phenol, kim loại nặng – chì, thủy ngân, cadmi, crom...), và cả rỉ sét của đường ống dẫn nước (oxit sắt). Chỉ sau 1-2 tháng sử dụng, lõi lọc thô của máy lọc nước từ màu trắng đã chuyển sang đen sì. Nếu muốn sử dụng nước máy trong canh tác hữu cơ, cũng không có cách nào khác là trang bị hệ thống lọc với công suất đủ lớn.

Kế tiếp là không khí, một yếu tố tưởng như rất đơn giản thì ở vn lại trở nên khá nan giải, đặc biệt là với chính sách công nghiệp hóa ồ ạt sẵn sàng hi sinh môi trường để đánh đổi phát triển kinh tế. Nếu trong vòng bán kính 50 cây số có một Formosa hay một nhà máy điện than hoạt động thì dù có “cách ly” bao nhiêu cũng không tránh khỏi việc bị “nhiễm độc” từ không khí. Khi con người còn không thở nổi thì cỏ cây không bao giờ có thể sống “hữu cơ” được. Nông trại hữu cơ phải cách ly càng xa càng tốt với các khu dân cư cũng như các hoạt động công nghiệp của con người nhằm tránh nguy cơ bị lây lan ô nhiễm.

Nỗi lòng của những người làm hữu cơ bằng cả trái tim

Tôi có người bạn làm nông nghiệp hữu cơ trên Lâm Đồng, anh phải khoan giếng để lấy nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sơ chế rau củ. Tuy nhiên, nước ngầm khu vực đó lại bị ô nhiễm hóa chất tổng hợp quá nặng (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân hóa học…) nên anh phải trang bị một hệ thống lọc chuyên biệt gần 1 tỷ đồng để làm sạch nước. Hệ thống lọc của anh hoạt động như một nhà máy nước thu nhỏ đáp ứng yêu cầu của canh tác hữu cơ cũng như sản xuất rau củ sạch. Với quy mô 2 hecta, cái nông trại nhỏ của anh chỉ đủ sức cung cấp rau củ quả 3 lần/tuần cho...1 cửa hàng do chính anh mở. Mặc dù hàng luôn trong tình trạng không đủ bán, cho đến bây giờ anh vẫn chưa thoát...“lỗ”!

Một người bạn khác của tôi thì từ bỏ cuộc sống êm ả chốn thành thị để dấn thân vào con đường nông nghiệp hữu cơ. Trải qua bao khó nhọc, mồ hôi, và cả nước mắt, anh gây dựng nên một nông trại tuyệt đẹp giữa khu rừng sinh thái trong lành. Bao quanh nông trại là một hệ thống kênh mương khổng lồ và các ao cá để dự trữ nước mưa từ rừng sinh thái đổ về khi mùa mưa đến. Mặc dù hàng của anh khá “chập chờn” lúc có lúc “tạm nghỉ” nhưng tôi chưa bao giờ phải phàn nàn về chất lượng, từ gạo cá cho đến trái cây rau củ luôn thể hiện một phong độ ổn định và vượt trội so với các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Cũng giống như anh bạn trên, cho đến tận bây giờ anh vẫn chưa thoát...”lỗ”!

Tình trạng hiện tại là cả hai anh đang muốn xỉu sau nhiều năm miệt mài xây dựng nông trại cũng như vật lộn duy trì sản xuất mà không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ chính phủ và các cơ quan chức năng.

Kết bài

Giữa bối cảnh thực phẩm ngập ngụa trong hóa chất và bệnh tật tràn lan, giấc mơ làm “hữu cơ” của người Việt chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Lời khuyên của tôi là các bạn cứ mạnh dạn theo đuổi giấc mơ vì xét cho cùng thì giấc mơ “hữu cơ” nào cũng đáng quý, mặc dù không có giấc mơ nào giống nhau. Chỉ có điều các bạn phải trung thực với những gì các bạn có thể làm hay nói cách khác là minh bạch thông tin vườn cũng như sản phẩm để cộng đồng lựa chọn. Tôi tin chắc mọi sản phẩm hữu cơ kết tinh từ trái tim và niềm đam mê sẽ luôn có chỗ đứng bền vững trong cộng đồng. Đừng canh tác hữu cơ trong “bóng tối” bằng tư duy làm giàu nhanh như bất động sản hay chứng khoán, vì khi ấy các bạn sẽ trở nên tự “chuyển hóa” lúc nào không hay.

Chúc các bạn sức khỏe và sự sáng suốt,

Sài Gòn, 30/04/2018

Jerry Do


Nhắc:
Minh Thành Ngô Dạ anh cho e hỏi, em chọn mua các sản phẩm hữu cơ cũng dựa trên những nhãn chứng nhận hữu cơ ở bao bì sản phẩm. Nhưng như anh nói, Việt Nam mình có những anh "láu cá", "kinh doanh hữu cơ" chỉ để lấy chứng nhận đối phó, thì mình có thể đặt niềm tin như thế nào với những nhãn hàng nước ngoài khác?
Jerry Do Đối với hàng organic ngoại nhập, cách duy nhất là bạn tham gia các diễn đàn (forum) về organic của nước ngoài. Họ có một số forum rất nổi tiếng chuyên bàn luận về hàng organic cũng như đóng vai trò "thám tử hữu cơ" rất hiệu quả. Đó chính là những nơi phanh phui các vụ scandal nổi tiếng như sữa organic "dỏm" Daioni của Mỹ hay vụ lừa đảo cà chua organic ở Châu Âu cách đây 2 năm
Minh Thành Ngô Dạ, em cảm ơn anh!
==============================

Phuc Nguyen Tôi thấy có nhiều người mê nnhc rồi ngộ nhận do không tính/ nghĩ đến những yếu tố căn bản ông nêu dẫn đến "ngộ độc" rồi cố níu kéo khỏi cảm giác thất bại bằng đủ mọi cách , sau cùng hóa người ngợm bịp bợm... làm nnhc mà người tiêu dùng mới hỏi thông tin sơ qua về sản phẩm mà như chạm nọc,nhảy dựng lên như bị nước sôi đổ háng, tớ đếch cần!
==============================

Nhật Minh BiO và Bio dynamic có khác nhau trong tiêu chuẩn và cách thức làm không anh?
Jerry Do Khác một trời một vực, bio thì còn tệ hơn organic, trong khi bio dynamic (demeter) thì cao hơn organic

No comments:

Post a Comment