Thursday, March 1, 2018

Cơ thể chúng ta chuyển biến thế nào khi ngừng ăn thịt ?

28 THÁNG HAI, 2018 A DI ĐÀ PHẬT
Dù bạn ngừng ăn thịt vì lý do nào đi chăng nữa thì cơ thể bạn sẽ có những thay đổi nhất định, đều có lợi cho sức khỏe của bạn.

Dưới đây là 8 sự thay đổi trong cơ thể khi chúng ta ngừng ăn thịt động vật:

1 – Trọng lượng cơ thể giảm xuống

Thịt đỏ có hàm lượng calori cao, vì thế khi cắt giảm thịt đỏ khỏi chế độ ăn sẽ giúp bạn giảm bớt lượng calori đưa vào cơ thể.

Hầu hết các loại thịt đỏ đều cung cấp nhiều protein hơn nhu cầu cần thiết của cơ thể. Khi chúng ta thay thế lượng protein này với các nguồn thay thế protein khác sẽ vẫn làm cho chúng ta cảm thấy no mà lại dễ dàng tiêu hóa hơn.

Thực đơn không có thịt tốt cho sức khỏe – Ảnh minh họa

2 – Mức axit trong cơ thể giảm xuống

Để khỏe mạnh, cơ thể chúng ta cần có sự cân bằng pH. Thịt đỏ, bột mì trắng, cà phê, soda là các thực phẩm tạo mức axit cao mà cơ thể hấp thu vào rồi sau đó phải trung hòa nó.

Mức axit cao trong cơ thể là môi trường hoàn hảo cho bệnh tật; cùng với stress, ngủ nghỉ kém khoa học chính là nguyên nhân làm giảm sức đề kháng của chúng ta với các bệnh có nguy cơ gây tử vong cao (như ung thư).

Nên trung hòa các thức ăn có mức axit cao bằng các loại rau củ quả.

3 – Ít đầy bụng hơn

Cơ thể tiêu hóa thịt đỏ chậm hơn các thực phẩm khác. Nhiều người có thể bị táo bón, đau bụng, đầy hơi sau khi ăn thịt bò hay các món có thịt đỏ trong buổi ăn tối. Bạn có thể bị khó tiêu sau khi ăn thịt đỏ.

Về lâu dài, khi ngừng ăn thịt đỏ, ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ sẽ có nhiều lợi khuẩn trong đường ruột, giảm viêm nhiễm lan rộng cơ thể và giúp bạn thấy “nhẹ bụng” hơn.

4 – Da được cải thiện

Da sẽ sạch hơn từ bên trong khi không ăn nhiều thịt đỏ. Thay vào đó, cơ thể được cung cấp nhiều rau củ quả có chứa các vitamin A, C, E giúp chống lại các gốc tự do nguy hại.


Táo bón có thể là kết quả của việc tiêu hóa bất ổn do ăn thịt đỏ, gây ra các vấn đề về da và làm cho da trở nên đen sạm đi. Hạn chế và bỏ thịt đỏ sẽ giúp giảm bớt áp lực công việc cho các cơ quan khác như gan và thận, vốn chịu trách nhiệm lọc và làm sạch cho cơ thể.

5 – Mức cholesterol giảm xuống

Cắt giảm và loại bỏ thịt đỏ khỏi chế độ ăn sẽ giúp giảm mức chất béo bão hòa đưa vào cơ thể, nguyên nhân gây ra cholesterol cao. Lý tưởng là mỗi ngày nên hấp thu ít hơn 7% calori từ chất béo để giữ cân bằng và giảm nguy cơ cholesterol cao, làm hình thành mảng bám trong các thành động mạch.

Sự hình thành các mảng bám này trong thành động mạch sẽ làm tăng nguy cơ bệnh xơ cứng động mạch, đau tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên…

Ngoài cholesterol cao do yếu tố di truyền thì cắt giảm và loại bỏ thịt đỏ sẽ giúp điều chỉnh mức cholesterol ở mức khỏe mạnh.

6 – Giảm được nguy cơ ung thư

Ngừng ăn thịt bò có thể giúp tránh được ung thư đường ruột hay ung thư ruột kết. Chế độ ăn có hàm lượng chất béo bão hòa cao có liên quan đến mức viêm nhiễm trong cơ thể, tình trạng viêm nhiễm mãn tính sẽ làm phát triển ung thư.

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt thịt đỏ vào nhóm thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư.

7 – Giảm được một số bệnh nguy hiểm

Nhiều thử nghiệm cho thấy thay thế thịt đỏ bằng các thực phẩm khác lành mạnh chơ thể hơn giúp giảm được một số bệnh tật như giảm được bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, ung thư dạ dày.

8 – Bạn sẽ dồi dào năng lượng hơn

Các nghiên cứu cho thấy ăn thịt đỏ có thể làm tăng mức estrogen, gây ra sự mất cân bằng nội tiết dẫn đến suy giảm năng lượng.

Chúng ta cần một quả tim khỏe mạnh, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, một thân – tâm khỏe mạnh nhưng ăn thịt đỏ làm kéo dài thời gian tiêu hóa, đòi hỏi cơ thể dùng nhiều năng lượng hơn trong suốt quá trình tiêu hóa. Do vậy cơ thể vừa tốn năng lượng vừa không được nghỉ ngơi.

Với nhiều người hấp thu kém, ăn thịt đỏ có thể gây ra hội chứng ruột kích thích, dư axit dạ dày, cân bằng dinh dưỡng kém và các bất ổn sức khỏe nói trên.

Trái lại, việc ăn chay làm tăng mức năng lượng cho cơ thể, giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn.

Việc loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn có thể làm cho cơ thể thiếu một số dưỡng chất như các vitamin nhóm B (vitamin B12), sắt, magnesium. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bổ sung lượng dưỡng chất bị thiếu do không ăn thịt đỏ bằng các thực phẩm như: đậu hũ, các sản phẩm từ đậu nành, phô mai, trứng, các loại rau củ, trái cây hoặc các dạng vitamin tổng hợp khác.

Huệ Trần – giacngo.vn

No comments:

Post a Comment