Nguồn: FB Hoàng Dũng.
2018/01/04.
Bài viết dưới đây do chị bạn mình kể lại. Hiện chị và gia đình đã bắt đầu cuộc sống mới ở một quốc gia khác. Chị đã đồng ý cho mình copy lại. Mình sẽ không để nguồn vì chị để bài viết ở dạng bạn bè với lý do không muốn người lạ biết về mình.
Có rất nhiều cách để rời Việt Nam và đây là một trong các cách dành cho những người có ước mơ và nỗ lực thực hiện nó:
"Sau khi tôi đi, tôi nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè, và không làm tôi ngạc nhiên là câu hỏi "tôi đi diện gi?". Tôi nghĩ nhiều người muốn biết bởi vì nhiều người cũng tìm đường ra đi như tôi, nên tôi sẽ kể câu chuyện của tôi:
- Năm 2015, chúng tôi đi khám tiền thai sản xem tôi đã có các kháng thể cần thiết cho việc có thai chưa, và chúng tôi dự định sẽ có con, tuy nhiên sau đó chúng tôi quyết định rằng chúng tôi phải ra đi, và việc có 1 đứa con nhỏ trong thời gian đầu trước khi chúng tôi có thẻ thường trú đồng nghĩa với việc 1 người phải ở nhà trông con và người còn lại đi làm 1 mình nuôi 3 miệng ăn, vì khi đó chúng tôi không có trợ cấp còn tiền gởi trẻ dưới 6 tuổi có khi còn cao hơn lương 1 người đi làm, vậy nên chúng tôi quyết định hoãn việc có con vô thời hạn.
Cũng lúc đó, tôi xác định rằng để ra đi thì tôi cần có bằng đại học, vì tôi hiểu ra đi và làm lại từ đầu ở độ tuổi như tôi, tiếng sẽ không thành thạo bằng người bản xứ, công việc khó cạnh tranh với người bản xứ mà bằng cấp còn không đủ cao thì có nghĩa là mình sẽ phải làm việc chân tay suốt đời. Khi đó tôi tự dán 1 tờ giấy nhắc mình ngay bàn làm việc "do you want to be the waitress the whole of your life? If not, study now", và tôi đăng ký học đại học từ xa của 1 trường ở Mỹ, có nghĩa là tôi phải tự đọc sách, làm bài luận và gởi cho thầy chấm, cứ hết bài này đến bài khác. Có những bài đầu tiên chưa biết cách làm, tôi bị 1 điểm "F" (FAIL) to tướng làm tôi hoảng ơi là hoảng.
Giữa hè 2015 tôi đi Đức, thấy đất nước đó tuyệt đẹp và nó nằm trong danh sách lựa chọn của chúng tôi. Về nước, chúng tôi tìm tất cả thông tin định cư tay nghề ở Đức và vài nước Châu Âu, tuy nhiên sau khi đọc kỹ, họ không đòi hỏi trình độ ngôn ngữ nhưng hầu hết phải học tiếng bản xứ nếu muốn sống được ở châu Âu, và người sếp cũ người Đức của tôi can rằng qua Đức mày mãi mãi là công dân hạng 2 và sự kỳ thị còn rất lớn, mày hãy đi Úc (ổng cũng có quốc tịch Úc), vậy là tôi từ bỏ giấc mơ châu Âu và xem các thông tin định cư tay nghề ở Úc, NZ và Canada. Nếu bạn không có tiền để đầu tư, không có người thân bảo lãnh, chỉ có kinh nghiệm và khả năng làm việc, chỉ có con đường bán chất xám mà ra đi như chúng tôi mà thôi.
- Năm 2016: trong khi chúng tôi vẫn làm việc full time, tôi vẫn theo đuổi chương trình đại học, chúng tôi tiếp tục thực hiện các việc khác trong danh sách: học và thi lấy bằng tiếng Anh, học và thi lấy bằng lái xe, dịch và nộp bằng cấp của chồng tôi qua nước ngoài để được công nhận và chứng thực. Việc này ngốn hết cả 1 năm trời đằng đẵng đầy áp lực học, thi, thời gian và tiền bạc.
- Năm 2017: việc thi cũng không như mong muốn, liên tục áp lực, thất vọng, lo lắng, tôi vẫn tiếp tục chương trình đại học và chờ đợi cơ hội cho gia đình mình 1 cách vô vọng suốt 6 tháng đầu tiên, chúng tôi có lúc phải xa nhau gần 1 tháng để anh lên núi tầm sư học đạo, tôi ở nhà vừa đi làm các ngày trong tuần, vừa đi dạy thiện nguyện cuối tuần, vừa lo cho con, vì mục tiêu cao cả là đạt đủ thành tích học tập của 2 đứa. Cuối tháng 6 tôi tốt nghiệp đại học và phải mất 2 tháng nữa để chờ nhận bằng, việc định cư tay nghề vẫn quá xa xôi khi tiếng Anh chưa đạt và để tìm việc để có đủ điểm định cư trở nên mờ mịt khi tất cả các công ty đều yêu cầu phải có visa làm việc trước khi nộp đơn, thật là 1 cái vòng lẩn quẩn.
Đầu tháng 7, 1 cơ hội mở ra khi 1 công ty tư vấn rằng tôi có thể học sau đại học thì anh sẽ có work visa và con được đi học, tuy nhiên chi phí đi học quá cao với chúng tôi và phí tư vấn cũng vậy. Tôi từ chối vì nhắm ko kham nổi. Sau đó anh nói “thôi mình đi đi em”, và chúng tôi lại lao vào vòng xoay áp lực. Chúng tôi tự liên lạc với trường mình xin học, cơ bản họ đồng ý nhưng phải có bằng đại học của tôi đã, trong khi đó bằng về đến tay tôi trễ hơn kế hoạch, vài tuần chờ đợi đầy căng thẳng. Vừa nhận bằng tôi nộp ngay cho trường mới, họ cấp offer letter trong vòng 2 ngày, chúng tôi bắt đầu nộp visa qua 1 dịch vụ khác rẻ và tốt hơn, tuy nhiên họ không làm hồ sơ NZ nên chúng tôi cùng nhau đọc thông tin và mò mẫm với bạn bên dịch vụ. Nộp hồ sơ xong, ngoài dự đoán của tất cả chúng tôi, lãnh sự báo visa đã cơ bản được chấp thuận, tôi cần đóng tiền học trong 2 tuần để nhận visa. Chúng tôi lại lao vào áp lực khác khi quá nhanh không kịp xoay tiền, người hứa cho mượn tới phút cuối không cho mượn được, sau 1 thời gian áp lực tới khủng hoảng, chúng tôi cũng kịp đóng xong tiền học trong thời gian cho phép.
Sau đó ngồi chờ visa thì lãnh sự báo passport tôi không đủ thời gian để cấp visa (OMG!) và tôi phải chạy lên lấy lại passport làm gấp 1 cái mới để nộp lại. Không lâu sau họ trả passport trắng và cấp 1 e-visa. Trong thời gian đó họ cũng báo kết quả khám sức khỏe của chồng tôi có nghi vấn, anh phải trải qua 1 bước kiểm tra mất 3 tháng nữa (trong khi lãnh sự nói chỉ mấy 1 tháng rưỡi đến 2 tháng). Tôi mua vé trước cho cả nhà đi ngày 31/12 vì vé hôm đó rẻ nhất, và chúng tôi hết sức hy vọng rằng kết quả sức khỏe của anh sẽ xong kịp để đi.
Chuỗi ngày đi khám sau đó và chờ đợi thật sự căng thẳng và mệt mỏi. Và thêm 1 điều lo lắng nữa là visa của con phải theo anh, nếu anh chưa có visa thì con cũng chưa có, vì anh là người bảo trợ tài chính chính cho con. Vậy là phải đợi cả 2 cha con. Thời gian đó chúng tôi phải tìm chỗ cho 3 con mèo mà chúng tôi đã yêu thương, chăm sóc 3 năm qua. Cuối cùng khi qua nhà mới, con Bé sợ hãi bỏ chạy mất tích và tôi khóc suốt 1 ngày sau đó, chúng tôi phải đối diện với sự chia ly, mất mát 1 thành viên nhỏ trong gia đình (cái giá quá đắt cho 1 ước mơ) và đến giờ khi nghĩ về Bé, tôi vẫn thầm cầu mong con bình an và tìm được 1 mái ấm mới. Khi chăm sóc các con mèo khác, tôi cũng hy vọng con Bé của tôi cũng sẽ được ai đó chăm sóc như vậy. Sau đó tôi phải mang May và Nấm đi 1 đoạn đường xa về quê chồng và hy vọng ở nơi đó, 2 con được vui vẻ và bình yên sống suốt cuộc đời còn lại, chỉ vì nơi tôi đến hoàn toàn không có cách gì mang các con theo. Vì biết chắc sẽ đi nên sau 3 đứa, tôi không dám nuôi them con nào, thậm chí là nhận foster dù tôi rất muốn, vì tôi không biết rằng sau này sẽ mang tụi nhỏ đi đâu để tụi nó có 1 gia đình.
Cuối cùng kết quả sức khỏe của anh chỉ tới khi còn vài ngày nữa là bay và…lãnh sự đã đóng cửa nghỉ lễ, tôi phải hủy vé 2 cha con (mất 1 số tiền không nhỏ) và xách vali đi 1 mình, trái tim nặng trĩu không biết khi nào gia đình đoàn tụ. Tôi ra sân bay, gia đình 2 bên và gia đình bạn thân nhất của chúng tôi đi tiễn, định không khóc nhưng cuối cùng cũng rơi nước mắt khi chia ly, tuy biết bây giờ liên lạc dễ dàng thì dù ở xa cũng vẫn như ở gần.
Vậy tôi đi diện gì? Diện học sau đại học, nhưng điều đó không đủ để được ở lại, nhất là những ngành họ không cần ví dụ như management, nên chúng tôi đi để anh có work visa và sau đó xin định cư tay nghề theo ngành IT của anh. Tôi không chia sẻ gì suốt 3 năm qua về kế hoạch của chúng tôi, dù vấp phải muôn trùng khó khăn, vì kế hoạch này quá mơ hồ cho dù chúng tôi đã phải chuẩn bị mọi thứ kỹ nhất chúng tôi có thể mà vẫn có những sự cố bất ngờ khiến chúng tôi đau đầu mà tôi không nhớ hết được ở đây, thậm chí chưa đặt chân qua đây tôi chưa dám tin mình đã thực hiện được ước mơ nên cũng ko dám chia sẻ với ai ngoài gia đình và bạn bè thân thiết của chúng tôi.
Tôi viết ra không phải để kể lể các khó khăn, áp lực, đau lòng chúng tôi đã đối mặt, tôi chỉ nói lên phần thật của việc ra đi, nó không dễ dàng và ai muốn đi cũng phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng, phải vượt qua các áp lực của thi cử, hồ sơ, giấy tờ, sức khỏe, hy sinh, chia ly, mất mát, tiền bạc. Tôi cũng hoàn toàn chuẩn bị tinh thần để làm lại từ đầu và chịu khó chịu cực trong 1 vài năm đầu, tôi không nề hà việc từ bỏ 1 vị trí cao, 1 công việc tốt tại VN để làm 1 nhân viên phục vụ trong KFC, MacDonald hoặc làm 1 nhân viên văn phòng có vị trí nhỏ nhất, chúng tôi cũng xem rất nhiều thông tin ở nơi chúng tôi đến để tránh bị sốc văn hóa hoặc dễ cảm thấy buồn nản khi mọi việc không “như xưa”.
Vậy nên nếu bạn muốn đi, hãy chuẩn bị thật đầy đủ: tinh thần, sức khỏe, tài chính và ti tỉ những thứ không tên cho con đường bạn đi tới ước mơ.
Y.T"
______________________________
No comments:
Post a Comment