Nguồn: FB Liên Hương.
Các bạn lưu bài này vì rất quan trọng trong chế biến thức ăn.
Thời Pháp thuộc, gia đình có đại lý Đông dược, tôi học các cụ cách chế biến truyền thống, giờ thấy các bạn lúng túng và chưa nhận biết nguyên lý của vấn đề nên tôi chia sẻ.
1/ Trước tiên phải hiểu vì sao cần hạ thổ?
a/ Luận theo Ngũ hành sinh khắc:
* Trong Ngũ hành thì đất thuộc Thổ.
* Trong Ngũ hành thì cây, rau, củ, cỏ, rêu… thuộc Mộc.
* Mộc đã sinh Hỏa rồi – nghĩa là khi ăn uống thực vật hay yếu tố Mộc sẽ sinh nhiều năng lượng Hỏa [điều này ngày nay được khoa học thực nghiệm phát hiện ra thực vật có tần số cao], mà ta rang lên thì lại bổ sung thêm rất nhiều yếu tố Hỏa nữa nên cần có cách để giảm bớt Hỏa.
* Hỏa sinh Thổ nên khi ta đưa thảo mộc bị gia Hỏa tiếp cận với đất thì yếu tố Thổ trong đất sẽ hấp thu Hỏa [ví như con bú mẹ].
b/ Luận theo Âm – Dương:
* Trong Âm-Dương, nền đất có tính Âm, lửa có tính Dương
* Khi ta rang sao khô là tăng Dương nên cần hạ đất Âm để điều hòa bớt Dương để yếu tố Âm-Dương cân bằng hơn.
* Có rất nhiều vị thảo mộc cần thiết phải sao hạ thổ để giảm bớt tính kích thích, cũng có vị không cần, nếu không tuân thủ nguyên lý có thể gây ra tiêu chảy, táo bón… điều này đã được kinh nghiệm hàng ngàn năm.
2/ Có rất nhiều cách dùng Hỏa táo tăng Dương tính cho thảo mộc:
* Sao vàng: rang cho ngoài có mầu vàng nhưng ruột không đổi màu, để lửa nhỏ, thời gian lâu, cho bớt tính hàn.
* Sao xém: rang mặt ngoài vàng xém nhưng bên trong ruột không đổi mầu, thường dùng đối với vị thuốc quá chua, chát.
* Sao đen: lửa lớn, chảo thật nóng mới bắt đầu cho nguyên liệu vào đảo đều cho đến khi bên ngoài cháy đen, bẻ bên trong vàng, mục đích tăng tác dụng tiêu thực, giải trệ.
* Sao tồn tính: rang tới mức gần cháy hết nhưng chưa thành than hoạt tính, lửa lớn, chảo thật nóng, đảo đều cho đến khi thấy khói bốc lên nhiều, đậy nắp để nguội, thường để tăng tác dụng cầm máu của một số vị thuốc.
* Sao cát: rang với cát sạch, chọn loại cát thuần, cát trắng miền trung là tốt nhất, rang cát trước cho thật nóng rồi mới cho thực vật vào, mượn cát làm thuốc nóng già mà không cháy. Sau đó sảy sạch cát đi.
* Sao hoạt thạch: rang cùng bột talc với thảo mộc có chất keo để chúng không dính bết vào nhau.
* Sao cám: rang cùng với cám để rút bớt tinh dầu của thảo mộc.
3/ Hạ thổ thế nào?
* Hạ thổ có nền đất nện hay lát gạch mộc cũ là tốt nhất. Không có thì dùng đồ đá tự nhiên đặt trên đất, dùng ngói cũ đã phơi sương, gạch đá ong. Ở nhà lầu thì phải xuống đất mới coi là hạ thổ.
* Bà tôi rang vừng, gạo, lạc xong, hạ thổ bằng cách cho vào cối đá tự nhiên [cối này đã “lên nước” bây giờ tôi vẫn cất giữ trân trọng], đậy giấy bản lên, tới nguội hẳn thì giã. Với một số thảo mộc như vỏ quýt, bồ công anh… rang xong đổ lên mấy tấm ngói cũ [xếp ngói ghép vào nhau trên đất], tới nguội hẳn thì cất vào lọ, cho thêm mấy viên đường tinh luyện ở đáy lọ để giúp bảo quản.
Trong album KINH NGHIỆM ẨM THỰC tôi đã giới thiệu cách rang vừng để bảo toàn chất dầu rất nhiều trong vừng, tránh dầu nóng biến thành độc chất gây ung thư cũng như cách rang gạo để hãm trà, làm thính [lưu ý lớp vỏ cám gạo chứa nhiều dầu].
👉 Khi chế biến đúng cách bảo toàn được tất cả các thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm thì chỉ cần ăn lượng ít đã đủ, như vậy, tiết kiệm được nông sản, đất được nghỉ ngơi, tiết kiệm được nước. Trân trọng thực phẩm là biểu hiện của linh hồn tiến hóa cao. Hiện nay, văn hóa giáo dục quá suy đồi, khắp nơi lãng phí thực phẩm, cỗ bàn thừa mứa, dùng hóa chất để gia tăng sản lượng mà giảm chất lượng, nông sản nhiều bảo quản không chăm chút, mốc hỏng lại dùng hóa chất độc để xử lý – cái vòng luẩn quẩn của vô minh, bóc lột đất đai và bệnh tật.
______________________________
No comments:
Post a Comment